Dù chưa thể định lượng tác động của Covid-19 với nền kinh tế, nhìn nhận chung của các doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu thị trường đều đã chỉ ra, đại dịch đã tạo ra sự thay đổi lớn trong từng lĩnh vực. Một trong những ngành công nghiệp chịu sự thay đổi lớn nhất là ngành thực phẩm, ăn uống.
Là một trong những tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới, Nestlé không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của đại dịch. Riêng tại Việt Nam, doanh nghiệp này cũng là một trong những đơn vị phản ứng nhanh nhất với đại dịch, thông qua chiến lược phân phối sản phẩm và những hoạt động đồng hành đẩy lùi Covid-19.
Ông Binu Jacob – Tân Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ với VnExpress những định hướng mới của doanh nghiệp và góc nhìn của một trong những tập đoàn thực phẩm lớn nhất thế giới về tiêu dùng hậu Covid-19.
– Ông gặp những thách thức nào khi đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đúng vào giai đoạn cao điểm chống dịch tại Việt Nam?
– Khoảng thời gian làm việc tại Trung Quốc đã phần nào giúp tôi có sự chuẩn bị cho vị trí mới tại Việt Nam vào tháng 4. Mỗi thị trường đều có những đặc điểm riêng, tôi luôn học cách thích ứng và lèo lái đội ngũ vượt qua những thách thức chung trong dịch.
Khi tôi bước vào vị trí mới cũng là lúc công ty kích hoạt chế độ làm việc từ xa. Đó là thách thức đầu tiên. Rất may mắn, Nestlé Việt Nam sở hữu một đội ngũ năng động, có sức chống chịu với những tình huống khó khăn rất tốt. Cùng nhau, chúng tôi thành lập đội ứng phó nhanh và triển khai cấp tốc dự án STORM đối phó Covid-19. Những ưu tiên mới trong “thời chiến” được thiết lập, trách nhiệm của từng bộ phận, từng cá nhân được xác định rõ và từng người đều nỗ lực hết sức mình để đưa Nestlé Việt Nam vượt dịch thành công.
Một thách thức khác đến từ thị trường. Việt Nam là một trong những thị trường hiếm hoi của Nestlé tập trung chủ yếu vào các dòng sản phẩm uống liền và các kênh tiêu thụ như hàng quán, căng tin trường học… Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể tình hình này. Do đó chúng tôi phải thay đổi chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa danh mục sản phẩm và kênh tiêu thụ trong dịch và sau khi chúng ta bước vào trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên cũng cần phải nói, tôi thực sự bất ngờ trước nỗ lực và hiệu quả chống dịch của Việt Nam, với nguồn lực hạn chế nhưng quyết tâm không giới hạn. Phản ứng rất nhanh và quyết liệt của Chính phủ giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đẩy lùi đại dịch tốt nhất thế giới. Điều đó đã khiến cho những thách thức của doanh nghiệp, cộng đồng sớm đi qua và giúp chúng ta bước vào trạng thái bình thường mới nhanh chóng hơn.
– Vậy theo ông, đại dịch ảnh hưởng ra sao đến ngành hàng tiêu dùng thực phẩm đồ uống và cụ thể là ảnh hưởng ra sao đến Nestlé Việt Nam?
– Tác động liên quan đến tổng cung và tổng cầu thì đã rõ. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến xu hướng tiêu dùng. Trong lĩnh vực F&B, người tiêu dùng đang đặt niềm tin lớn hơn cho các sản phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe. Đặc biệt trong đại dịch, sức khỏe của người già và trẻ em là ưu tiên hàng đầu bởi đây là nhóm người có sức đề kháng kém và có khả năng cao gặp biến chứng nếu chẳng may nhiễm nCoV. Do vậy, người tiêu dùng đã tăng tìm kiếm những dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe, đặc biệt tốt cho người già và trẻ em.
Mặc dù nhu cầu tiêu dùng đã thay đổi, vẫn còn quá sớm để định lượng tác động về mặt tài chính do Covid-19 gây ra. Với Nestlé Việt Nam, không có ưu tiên nào lớn hơn việc đảm bảo sức khỏe cho nhân viên, gia đình của họ và người tiêu dùng. Chúng tôi đã luôn nhấn mạnh cam kết vì một Việt Nam khỏe mạnh và sẽ tiếp tục khẳng định điều đó trong giai đoạn khó khăn này.
– Đó là trong đại dịch, vậy khi “cơn bão” Covid-19 qua đi, ông cho rằng thị trường sẽ chứng kiến những xu hướng tiêu dùng mới nào?
– Tôi cho rằng ngành thực phẩm đồ uống sẽ thay đổi hoàn toàn sau đại dịch, kể cả thói quen, hành vi tiêu dùng, ưu tiên tiêu dùng lẫn kênh tiêu thụ. Xu hướng tiêu thụ sản phẩm tốt cho sức khỏe đã hình thành trong dịch và dự kiến tiếp tục thể hiện rõ kể cả khi Covid-19 qua đi. Người tiêu dùng ngày càng ý thức rõ ràng hơn thực phẩm chính là một phương cách phòng bệnh, tăng sức đề kháng.
Họ cũng đã nhận ra vai trò của những bữa ăn gia đình và cảm giác tiêu dùng an toàn tại nhà, đi siêu thị nhiều hơn, mua thực phẩm đồ uống tích trữ và nấu ăn nhiều hơn. Khảo sát của Nielsen cho thấy, tại 11 thị trường châu Á, đa số người tiêu dùng đều sẽ ưu tiên việc ăn tại nhà. Xu hướng này dẫn đầu bởi Trung Quốc với 86% số người tiêu dùng nói rằng họ sẽ ăn tại nhà thường xuyên hơn trước khi đại dịch bùng nổ. Việt Nam cũng nằm trong top ba quốc gia theo xu hướng tương tự với 62% người tiêu dùng nói rằng họ cũng sẽ chọn ăn tại nhà.
Còn theo Kantar Worldpanel, một trong 4 nhu cầu chính của người tiêu dùng là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tăng cường sức khỏe, hỗ trợ tăng đề kháng, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh các sản phẩm tốt cho sức khỏe, đảm bảo vệ sinh và an toàn, sự tăng trưởng của các mặt hàng như gia vị nấu ăn, đồ ăn nhẹ hay các sản phẩm ăn giữa buổi là minh chứng cho những thói quen mới hình thành khi ở nhà nhiều hơn.
Với việc gia tăng dự trữ hàng hóa và ăn uống tại nhà, người tiêu dùng gia tăng tiêu thụ thực phẩm bổ sung, thực phẩm thiết yếu, sữa và các chế phẩm từ sữa… vốn là lĩnh vực thế mạnh của Nestlé.
Điều này cũng tạo ra sự thay đổi về kênh tiêu thụ, đồng thời tác động trực tiếp đến mạng lưới phân phối. Cũng từ sự thay đổi trên, những kênh tiêu thụ mới sẽ trỗi dậy, bao gồm thương mại điện tử, “đi chợ hộ” thông qua các ứng dụng, nền tảng giao hàng tận nhà…
Đồng thời có một xu hướng khác mà chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm. Đó là giá trị tương xứng so với số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra. Sự thận trọng trong chi tiêu sau đại dịch sẽ khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi, vì sao tôi phải bỏ ra số tiền này để mua một sản phẩm, sản phẩm này có xứng đáng với khoản chi của tôi hay không… Điều này khiến các doanh nghiệp, đặc biệt trong phân khúc sản phẩm chất lượng cao, giá thành cao, buộc phải nhìn nhận lại giá trị thực tiễn mà sản phẩm mang đến cho khách hàng.
– Trong bối cảnh đó, Nestlé Việt Nam sẽ triển khai chiến lược phát triển như thế nào để thích ứng với thay đổi trên thị trường sau đại dịch?
– Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục định hướng cung cấp thực phẩm và đồ uống chất lượng cao, giàu dinh dưỡng cho người tiêu dùng Việt Nam. Song song đó, việc cần làm hiện nay là theo dõi sát diễn biến của thị trường, nhanh chóng nắm bắt thói quen, hành vi tiêu dùng mới và phản ứng nhanh với sự thay đổi.
Thực tế tất cả thương hiệu của Nestlé đang thích ứng tốt và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là những dòng sản phẩm cung cấp năng lượng, đảm bảo người tiêu dùng có một sức khỏe tốt trong và sau dịch. Ngoài ra chúng tôi cũng đang tìm kiếm những cách thức mới thể hiện vai trò đồng hành của doanh nghiệp cùng người tiêu dùng. Chẳng hạn Nescafé đã triển khai những chiến dịch tăng tương tác khách hàng, hướng dẫn người tiêu dùng pha cà phê tại nhà ngon như quán, với đủ mọi phong cách. Tôi đánh giá điều này rất có ý nghĩa, nhất là khi mọi người trải qua ba tuần giãn cách xã hội chỉ quanh quẩn ở nhà.
Công ty cũng tối ưu hoạt động của các kênh trực tuyến, đẩy mạnh nguồn cung trên các sàn thương mại điện tử và đảm bảo hàng hóa đầy đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tích trữ tăng cao. Những chiến lược phân phối sản phẩm phù hợp với trạng thái bình thường mới cũng sẽ được đẩy mạnh.
Chúng tôi khẳng định cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần vào một tương lai tốt đẹp hơn, cho người tiêu dùng và cả cộng đồng Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa, kể cả khi “cơn bão” Covid-19 qua đi, doanh nghiệp cũng không được phép buông lơi vai trò đồng hành của mình với sự hồi phục, phát triển của cộng đồng.
Đó là cũng là ý nghĩa của chương trình “Vượt thách thức, đón thời cơ” hỗ trợ đối tác nhỏ mà chúng tôi triển khai từ giữa tháng 5, cùng những chương trình chung tay chống dịch khác.
– Chương trình này có ý nghĩa thế nào trong chiến lược trong tổng thể chiến lược tăng trưởng cũng như cam kết phát triển bền vững của Nestlé tại Việt Nam?
– Sau khi bùng phát, Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể… đối diện khó khăn chưa từng có do sức mua giảm sút và các biện pháp ngăn chặn dịch. Kể cả khi dịch được kiểm soát tốt tại Việt Nam, nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa thể phục hồi hoạt động do cạn vốn, đứt gãy nguồn hàng.
Trong khi đó, hàng quán, căng tin, tiệm bách hóa, đại lý… được xem như những mạch máu vi mô của nền kinh tế, không chỉ có ý nghĩa về mặt lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là một phần quan trọng trong đời sống cộng đồng. Hỗ trợ 22.000 đối tác nhỏ, là một phần trong cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần vào một tương lai khỏe mạnh hơn. Đây là cam kết, là kim chỉ nam trong mọi hoạt động mà chúng tôi triển khai tại Việt Nam.
Do đó, trong hai tuần qua, Nestlé Việt Nam đã chuyển 1,8 triệu sản phẩm như Milo, Maggi, Nescafé, Nestea, nước khoáng La Vie… đến căng tin trường học, hàng quán, đại lý và tiệm bách hóa. Ước tính có 22.000 đối tác nhỏ lẻ trên toàn quốc được hỗ trợ, với tổng giá trị 22 tỷ đồng, dưới hình thức 1,8 triệu sản phẩm.
Số tiền hỗ trợ 22 tỷ chỉ là “muối bỏ biển” khi toàn nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức chưa từng có từ đại dịch. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng mỗi đóng góp đều quý giá. Ngay từ khi dịch bùng phát, công ty đã xác định phải đảm bảo an toàn cho nhân viên, giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vượt dịch thành công.
Chỉ khi nào sát cánh cùng cộng đồng, nhất là trong những thời khắc gian nan, thì khi đó doanh nghiệp mới được ghi nhớ và trân trọng. Đó là điều tôi và đội ngũ Nestlé Việt Nam luôn tâm niệm.
Nội dung: Nam Anh
Thiết kế: Hằng Trịnh
Theo: Vnexpress