Trong những năm gần đây, có rất nhiều chuỗi cafe được mở ra tại Việt Nam. Trong số đó, có cả những chuỗi cafe của nước ngoài đến mở rộng thị trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải chuỗi cafe nào cũng thành công đến thời điểm hiện tại. Có những chuỗi đã thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí là đóng cửa. Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến sự thất bại của những chuỗi cafe này?

 

  1. Những chuỗi cafe đã thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa tại thị trường Việt Nam

Từ năm 2009, có khá nhiều thương hiệu cà phê nước ngoài đã phát triển chuỗi cửa hàng tại Việt Nam và đạt được một số thành công ban đầu. Tuy nhiên, vào giai đoạn kể từ năm 2014 đến thời điểm hiện tại, các chuỗi cafe ngoại này lại lần lượt thu hẹp quy mô hoạt động, thậm chí là đóng cửa tại Việt Nam.

Ví dụ như chuỗi cafe New York Dessert Café – NYDC (Singapore), gia nhập vào Việt Nam từ giai đoạn 2009-2010 và nhanh chóng có những phát triển đáng kể tại Việt Nam trong giai đoạn đầu, thời điểm hoàng kim NYDC sở hữu 6 cửa hàng tại TP.HCM. Tuy nhiên, lượng khách rời bỏ NYDC cũng nhanh như khi đến khiến tình hình kinh doanh của chuỗi dần đi vào bế tắc. Tháng 7/2016, cửa hàng cuối cùng của NYDC tại Metropolitan (TP.HCM) đóng cửa, kết thúc hơn 7 năm kinh doanh tại thị trường Việt.

Chuỗi Gloria Jean’s Coffee (Australia) cũng chung số phận. Mở cửa lần đầu vào năm 2006 qua hợp đồng nhượng quyền thương mại. Với phong cách chuyên nghiệp và chắc chắn, Gloria Jean’s Coffee mở 6 cửa hàng tại TP.HCM và 1 tại Hà Nội trong 6 năm đầu. Tuy nhiên, đến tháng 4/2017, cửa hàng cuối cùng của thương hiệu này cũng đã đóng cửa kết thúc hoạt động kinh doanh hơn 10 năm của chuỗi cà phê nổi tiếng của Australia tại Việt Nam.

Kết quả tương tự cũng xảy ra với Coffee Bar, chuỗi cà phê nổi tiếng châu Âu, hay Coffee Bene của Hàn Quốc. Mang theo tham vọng lớn vào thị trường Việt nhưng các chuỗi này đều phải rời đi khi số cửa hàng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Không chỉ riêng đối với những chuỗi cafe ngoại, các chuỗi cafe Việt Nam cũng không thoát khỏi số phận thất bại. Điển hình với chuỗi The KAfe, được thành lập năm 2013 và nhanh chóng mở rộng hàng chục cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng chỉ sau hơn 3 năm hoạt động và hơn một năm nhận vốn “khủng” từ nhà đầu tư Hồng Kông, chuỗi cửa hàng này đã đóng cửa các điểm bán của mình tại Hà Nội và chưa có thông tin chính thức về ngày trở lại. Kết quả kinh doanh của chuỗi sau đó cũng nhanh chóng đi xuống. Tháng 4/2017, các cửa hàng của The KAfe tại Hà Nội và TP.HCM đều lần lượt đóng cửa.

Tương tự với thương hiệu cafe The Coffee Inn từng là thương hiệu nổi tiếng Hà Nội và có doanh thu tăng mạnh trong giai đoạn 2013-2014. Tuy nhiên, đến tháng 9/2016, chuỗi này đã phải đóng 3/4 số cửa hàng của mình.

 

  1. Lý do thất bại của các chuỗi cafe lớn

Doanh nhân Hoàng Khải, chủ cửa hàng Gloria Jean’s Coffee cho biết chuỗi cửa hàng này rút lui là do công ty mẹ bên Australia đã hết hợp đồng nhượng quyền. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận Gloria đã không biết cách thâm nhập vào một thị trường cà phê “béo bở” như Việt Nam. Ông cho rằng việc gia nhập thị trường mới sẽ mang tính chất may rủi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải cứ thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài mang vào Việt Nam là sẽ thành công.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định thị trường các nước có sự khác biệt khá lớn. Các chuỗi cafe này khi vào Việt Nam thường chọn đánh vào đối tượng khách hàng ở phân khúc cao cấp như là những người có thu nhập cao , giới doanh nhân… Tuy nhiên, bộ phận khách hàng này lại chưa nhiều tại Việt Nam và khá khó tính trong việc cân nhắc sử dụng dịch vụ, sản phẩm.

Ngoài nguyên nhân không hiểu rõ thị trường, các chuỗi cafe ngoại này còn phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu cafe ngoại nhập khác và các thương hiệu cafe trong nước. Sự cạnh này đòi hỏi các thương hiệu chuỗi phải luôn tự đổi mới, hoàn thiện để vươn lên nếu không muốn mình cầm chắc thất bại.

 

  1. Chi phí quá lớn

Ngay cả những quán cafe nhỏ cũng phải đối mặt với việc phải chi trả các chi phí vận hành và phát triển quán.

Theo IFB Holding – đơn vị nhận nhượng quyền chuỗi The Coffee Bean & Tea Leaf, một trong những lý do lớn nhất khiến công ty luôn thua lỗ là chi phí phải bỏ ra luôn cao hơn doanh thu. Một cốc cà phê tuy giá bán có đắt đỏ ( với mức tiêu dùng tại Việt Nam) nhưng vẫn không đủ tiền để bù lại chi phí về mặt bằng, nguyên liệu…

Ngay những chuỗi cà phê đang có lãi hiện nay, chi phí để vận hành và duy trì kinh doanh cũng rất lớn. Chẳng hạn, năm 2018, Highlands Coffee ghi nhận hơn 1.628 tỷ đồng doanh thu, với biên lãi gộp lên tới 69%, lãi gộp trước chi phí của chuỗi này vào khoảng 1.123 tỷ.

Tuy nhiên, riêng chi phí bán hàng năm 2019 đã lên tới gần 850 tỷ. Cùng với các chi phí khác, lợi nhuận sau thuế chuỗi này thu về chỉ còn hơn 99 tỷ đồng.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *